Hậu Xuất Cảnh - Chương 8
Not big deal!
minhdung
Tuy không phải là những chuyện “lớn” nhưng cũng là những câu chuyện nho nhỏ đáng quan tâm…
Ngày mình được gọi lên office của hãng đang làm việc để ký hợp đồng mua bảo hiểm, tay phụ trách nhân sự sau khi giải thích quyền lợi, trách nhiệm .v.v… đủ thứ quanh vấn đề bảo hiểm, cuối cùng đến phần thừa kế thì câu chuyện thế này:
- Nếu ví dụ anh bị… “chết” thì phần hãng sẽ bồi thường 25,000 USD. Mình giật mình…
- Sao nữa ạ?
- Anh cho biết người sẽ nhận số tiền đó…
- Vâng, đó là vợ tôi, tên cô ấy, số An Sinh Xã Hội, địa chỉ đây.
- Được rồi, còn người thứ hai là ai?
- Dạ, vợ tôi được rồi!
- Không được, ví dụ lỡ cả hai vợ chồng anh cùng… chết thì sao?
Tá hỏa tam tinh, có cái kiểu “ví dụ” gì lạ lùng thế này? Hết “ví dụ” mình chết đã đành, lại còn “ví dụ”: cả hai vợ chồng anh cùng chết nữa thì thật là… quá quắc!!! Người Việt mình thông thường sẽ không bao giờ “ví dụ” cái kiểu… trời ơi ấy vì như thế chả khác nào… trù ẻo người khác, nhưng người Mỹ thì không, họ cứ thẳng vấn đề mà bàn… Nghĩ cũng… ớn! Đó là một trong những khác biệt văn hóa mà mình cũng phải tập làm quen dần, nhất là đối với hội U50 trở lên ở… VDT!!!
Người Mỹ lịch sự, nhưng hình như không có khái niệm về “Lễ phép”, Lớn nhỏ gì gặp nhau cũng “Hi” là xong, ngay trong ngôn ngữ đã không có khoảng cách về vai vế, chỉ có You and I là hết, trong hãng làm có mấy chú “nhóc con Mỹ” chỉ đáng tuổi con mình, mình chưa quen với lối nói chuyện của chúng nó nên nhiều khi thấy cũng bực, hỏi gì cũng trống không, chào thì giơ tay, hất hàm… Ở VN hỏi tuổi người lớn đáng cỡ cha chú là phải cẩn thận, nói chuyện là phải có dạ có thưa… Ở đây thì… thôi vậy!!!
Con nít ở VN mới sang, thường nhận được cảm tình của rất nhiều người Việt ở Mỹ vì đa số đều rất lễ phép, con nít sinh ra, lớn lên ở đây thật khó được như thế dù gia đình thuần Việt, không phải là họ không dạy dỗ chúng điều đó, nhưng dạy làm sao được khi xã hội chung là như thế? Thế mới biết duy trì được bản sắc dân tộc thật khó biết bao ở xứ người, nhận rõ vấn đề nên mình luôn nhắc con: Ai sao mặc kệ, con vẫn phải chào hỏi người lớn một cách “tận tình” cho ba. Tại sao người Nhật sang đây vẫn cúi gập người, người Thái vẫn chắp tay trước ngực để chào khách dù chung quanh họ chẳng ai làm như thế, vậy mà một trong những thói quen tốt đẹp của người Việt: Chào hỏi người lớn khi họ đến nhà mà chúng ta lại không???
Sang đây, các bạn sẽ còn gặp nhiều việc nho nhỏ nhưng sự khác biệt về văn hóa có nhiều khi không nhỏ một chút nào, và chúng ta cũng sẽ phải dần tập làm quen với những điều ấy…
Nhưng khác biệt văn hóa không phải là chỉ những khác biệt tiêu cực, còn đó rất nhiều những khác biệt tích cực mà người Việt chúng ta cần phải học hỏi ở họ như văn hóa nơi công cộng: Họ không bao giờ nói to, ồn ào như người Việt chúng ta, vào những nhà hàng buffet rất đông người - nhất là các ngày nghỉ lễ- nhưng tuyệt đối không nghe ồn ào, to tiếng, càng không bao giờ thấy cảnh chen lấn, tất cả đều “get line” kể cả khi đi… restroom!
Một phong cách nữa của người Mỹ mà mình rất thích là tiền “tip”. Hồi mới sang, nói thật mình không dám mua cái gì quá… 4 dollars : Ăn tô canh rau muống nho nhỏ tính ra tiền rau, tiền tôm hết gần… 70.000, gói thuốc Mallboro, tính ra 100.000, đi xe bus ở Cali leo lên leo xuống hết 28.000, đi cả ngày hết 72.000.v.v… Nghĩa là vài dollars đối với đa phần người Việt mới sang chưa làm ra tiền là khá lớn bởi còn thói quen tính ra tiền Việt nên “ể” cả mình, thế nên việc đi ăn tô phở “sale off” giá có 3 USD mà tiền “tip” để lại 2 USD thì… đau quá! Rồi qua hơn nữa năm ở đất Mỹ này, trải qua nhiều lần đi ăn uống nhiều nơi khác nhau, mình quan sát, ngẫm nghĩ và nhận ra rằng thói quen cho tiền “tip” là một nét văn hóa rất đáng quý của người Mỹ, qua hành động này họ bày tỏ sự trân trọng những người lao động tay chân, bưng bê phục vụ bữa ăn cho họ, mình cũng để ý thường thì nhiều người Mỹ để những đồng tiền tip lại ở trên bàn một cách ngay ngắn, và cũng thấy có một số người Việt không ít để bừa, thậm chí là lẫn chung với giấy chùi miệng lộn xộn trên bàn… Hiểu ra vấn đề, sau này mình không bao giờ thấy tiếc khi chỉ ăn tô phở vài đồng mà tiền “tip” gần bằng tô phở nữa! Mình cũng không quên dạy con gái: “Dù vội đến đâu, con hãy luôn luôn nhớ vuốt thẳng và để ngay ngắn tiền “tip” trên bàn con nhé, bởi những người lao động bưng bê đó có thể Kỹ sư, Bác sĩ, Tiến sĩ sau này, hoặc cũng có thể là bố là mẹ của những bậc trí thức sau này đó, hay đơn giản hơn, họ có thể chính là… ba, hay đó là một người kiếm sống bằng sự lao động chân chính, họ xứng đáng được chúng ta tôn trọng đó con gái ạ!”
Ai dám bảo đất Mỹ là đất tự do quá trớn??? Người Mỹ rất bảo thủ và tôn trọng các giá trị truyền thống đấy! Ở đây, trẻ con rất được coi trọng nhưng đừng nhầm, lạng quạng là cảnh sát “múm” như chơi, ở bên này trong giờ học mà có cháu nào lang thang ngoài đường, gặp cảnh sát là bị hỏi thăm sức khỏe ngay, đừng có nói chuyện trốn học lang thang, net niếc như ở VN. Quá 11h00 đêm trẻ con dưới 16 tuổi không được ra đường mà không có người lớn đi kèm (số tuổi tùy theo luật của từng tiểu bang, có tiểu bang quy định 18 tuổi). Trẻ con cũng bị cấm vào các Casino, (cho dù đi với cha mẹ) bị cấm mua bia rượu, thuốc lá…
Ở Mỹ này các bạn sẽ tuyệt đối không thấy từng nhóm bọn trẻ “chưa kịp lớn” đã vội nhuộm đầu xanh đỏ, xỏ khuyên tai đầy tai đầy mũi, tụ tập ăn nhậu hút thuốc phì phèo ở một bãi đất hoang nào đó, chửi thề, nói bậy ỏm tỏi trong đêm khuya vắng và sẳn sàng gây sự, thậm chí là đâm chém bất cứ ai mà chúng cảm thấy “chướng mắt”!!!
Các bạn cũng sẽ không thấy cảnh… đệ tử lưu linh cầm chai rượu vừa đi vừa tu ở nơi công cộng, mua rượu phải có cái gói giấy bọc bên ngoài, nhiều tiểu bang còn quy định rượu bia không được để ở băng ghế trước gần tài xế dù chưa mở nắp!
Ngày con mình đi học, nhà trường yêu cầu cha mẹ ký tên vào một tờ giấy để đồng ý cho con em mình được sử dụng internet ở trường học, máy ở trường được trang bị phần mềm ngăn chặn các trang web xấu rất hiệu quả.
Ngày còn làm ở Convenience store, mình chứng kiến một lần cảnh sát mặc thường phục vào mua bia, may mà bà chủ luôn có thói quen đòi người mua bia xem ra có vẻ còn trẻ cho xem “Drive License”, cậu bé chưa đủ tuổi liền bị từ chối không bán, ngay lập tức người đàn ông đứng sau lưng rút thẻ cảnh sát: “Tôi là cảnh sát, bà đã chấp hành tốt luật không bán bia cho người không đủ tuổi, tuy nhiên (chỉ vào mấy cuốn tạp chí trên quầy gần đó) tại sao bà không “cover” hình các cô gái ăn mặc hở hang này?”. Hỏi lại mình mới biết là theo luật, sách báo bày bán có hình những người ăn mặc có vẻ hở hang đều phải có một tấm bảng gì đó để che những phần đó lại, chỉ chừa khuôn mặt và tên của tạp chí mà thôi! Sau khi nghe bà chủ giải thích rằng đã “cover” nhưng khách hàng xem xong đã để tấm bảng che lệch sang một bên, viên cảnh sát nói thêm: “Tôi không cần biết những việc đó, nhưng nếu lần sau tôi còn bắt gặp như thế, tôi sẽ phạt bà 500 USD”.
Nói chung xứ Mỹ này là một nơi trật tự và luật pháp được tôn trọng, qua đó, quyền con người, sự an toàn của mỗi một con người được bảo đảm, không ai có thể tự nhiên bắt bớ, đánh đập, hay cư xử kiểu “xã hội đen” với bạn ở đất Mỹ này, càng không thể có chuyện băng nhóm cầm mã tấu chém người ngang nhiên giữa ban ngày nếu không muốn ăn… đạn của Police và đó là điều chắc chắn…
Ở trường học cũng thế, tùy theo tiểu bang luật có khác nhau nhưng nói chung là quy định rất chi tiết về những điều được làm và không được làm của mỗi một học sinh, hệ thống giáo dục ở đây không cho phép ai bắt nạt con các bạn ở trường như ở OK thì trường con gái gởi về cho mình một tập tài liệu dày cộp ghi rất nhiều điều cụ thể, đáng chú ý trong đó có đoạn ghi quy định về “Cấm bắt nạt” mình xin tạm trích một đoạn nguyên văn như sau:
Bullying
Bullying, intimidation, or harassment, whether written, verbal, or in cyber space, even in jest, is not allowed in any district school. Behavisors that place another student or group of students in fear of harm, or insult or demean any student or group of students will not be permitted. Bullying behaviors are prohibited on school premies, at schoo sponsored or school relate activities, events or funtions, or anywhere that students, are under the supervision of school personnel…
Tạm dịch:
Bắt nạt
Bắt nạt, đe dọa, hoặc quấy rối, cho dù là bằng chữ viết hay lời nói, hoặc trên net, ngay cả lời chế giễu đều không được cho phép của phân bộ. Hành vi làm cho một học sinh khác hay một nhóm học sinh lo sợ bị hại, hoặc nhục mạ bất cứ học sinh hay nhóm học sinh nào đều bị ngăn cấm. Các hành vi bắt nạt bị ngăn cấm ở nhà trường, nơi trường học bảo trợ, hoặc các hoạt động có liên quan đến trường học, các hoạt động hoặc bất cứ nơi nào dưới sự kiểm soát của nhân viên nhà trường…
Kể cho các bạn nghe một cách chi tiết như thế để các bạn có thể yên tâm với sự an toàn của con cái mình khi đi học ở xứ sở này, nó là very good!
Ở đây sướng nhất là trẻ con và người già! Các bạn nào hổng trẻ cũng hổng già, hoặc là… (hổng chịu già) thì cẩn thận, tuổi con trâu là… cái chắc! Tha hồ mà kéo cày… Hi hi…
Còn một điều nữa đó là đa số người Việt ở đây lâu năm đều trẻ hơn tuổi thật rất nhiều, nếu theo “nhãn quan” của người ở VN thì nhìn người phụ nữ này có lẽ chỉ khoảng 42 tuổi (chỉ đoán thầm, có cho tiền cũng hổng dám hỏi tuổi phụ nữ ở đây!), khéo léo điều tra một chút mới phát hiện ra rằng xin thưa, cô ấy gần 60 tuổi rồi đấy!
Đàn ông cũng thế, nhìn thì cũng trẻ trẻ, đẹp trai cỡ… mình mà thui ( ! ), điều tra ra mới biết hơn mình ít cũng là 5,6 tuổi, cho nên sau này sang đây nếu ai thấy bác Admin nhà mình trông có vẻ trẻ trung thì đừng vội gọi bằng “anh”, trông trẻ thế thôi chứ ít nhất cũng trên… 80 tuổi rùi đó!
Hổng tin, các bạn cứ nhìn hình người đang định... so găng với Nữ thần tự do đó. Người trong hình mà quá 30 tuổi thì mình... chít liền! (Đó là mình nhìn mặt nên đoán chắc như đinh đóng cột, còn để kiểm chứng xem đúng hay sai thì các bạn nào gan thì làm đi, mình hổng dám! Hi hi...)
Bây giờ thì mình… trốn lẹ đây kẻo bác í nổi giận thì… toi! Hì hì…